Khương Công Phụ người xã Định Công, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa được
vua Đường phong chức Hiệu thư lang, thăng dần đến chức Gián nghị đại phu, rồi
Tể tướng. Đây quả là trường hợp ''có một không hai" trong lịch sử Việt
Nam, một người Việt lại cầm đầu bộ máy cai trị của cả đất nước Trung Hoa thiên
tử!
Tể tướng Khương Công Phụ không những là người có tài năng văn chương, mà
ông còn mang phẩm chất, tư cách của một ''kẻ sĩ". Ông vốn tính cương trực,
thẳng thắn, không sợ kẻ cường quyền.
1. Người tài đất Việt
Cách nay 12 thế kỉ, thời còn Bắc thuộc, nước ta bị nhà Đường bên Trung Quốc
đô hộ. Bọn thống trị đóng lị sở cai trị của chúng ở vùng núi Quân Yên (nay
thuộc xã Định Công, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) gồm cả vùng Ngã Ba Bông,
chỗ hợp lưu của sông Mã và sông Chu bây giờ. Nơi đây, người Tàu mở các cửa
hàng, trên bến dưới thuyền, buôn bán hết sức tấp nập.
Cách không xa, chếch về phía nam, nơi con sông Cầu Chày chảy qua là hương
Sơn Ôi, thuộc phường Cổ Hiểm, nay là thôn Cẩm Cầu, xã Định Thành, huyện Yên
Định. Vùng đất này thủa đó có gia đình họ Khương đến lập nghiệp đã mấy đời. Sau
khi mất, ông Khương Thần Dực để lại người con trai nối dõi là Khương Công Đĩnh.
Tuy tuổi đã ngoài 30, ông Đĩnh vẫn chưa có vợ, nhà lại nghèo, chỉ sống bằng
nghề đơm bắt tôm, cá nơi sông Cầu Chày, hoặc làm thuê cho các chú khách (người
Tàu). Họ Khương mấy đời đều hiền lành, phúc hậu, ăn ở tình nghĩa, cốt để phúc
cho đời sau.
Chuyện dân gian kể rằng, vào một ngày có người Tàu làm thầy địa lí, nghe đồn
Ái Châu có nhiều địa linh (đất thiêng), liền tới vùng này để tìm huyệt đất quý.
Thấy cạnh hương Sơn Ôi có hai ngọn núi đá vôi nhô lên như hai ngọn bút chọc
thẳng lên trời, người thầy Tàu này mừng lắm. Vì theo thuyết phong thổ, đây
chính là "song phương tướng chỉ" báo hiệu huyệt đất sẽ sinh ra quý
nhân học giỏi, đỗ cao. Người khách liền mở cửa hàng bán thuốc Bắc ở đây, tìm
cưới một cô gái người Việt làm vợ, rồi lân la dò hỏi, biết nhà họ Khương tốt
phúc, bèn mướn Khương Công Đĩnh vào giúp việc.
Sau một thời gian, đang làm ăn phát đạt, đột nhiên người thầy Tàu trở về
nước, giao cửa hàng lại cho cô vợ trẻ cai quản. Ông ta dặn lại rằng, nếu sau ba
năm không thấy trở lại, thì người vợ tự định đoạt lấy, không cần chờ đợi.
Thế rồi, ba năm đã trôi qua mà người thầy Tàu vẫn biệt vô âm tín. Cô vợ trẻ
nghĩ chồng đã chết, hoặc vì lẽ gì đó đã ở hẳn Tàu, nên theo lời dặn trước, cô
lập bàn thờ thắp hương cho chồng rồi "đi bước nữa''. Thấy kẻ giúp việc họ
Khương tốt người; tốt nết cô bèn tính chuyện trăm năm với anh này. Hai người ăn
ở với nhau sinh hạ được hai mụn con trai rất kháu khỉnh. Họ đặt tên cho con
trai đầu là Khương Công Phụ, còn cậu em là Khương Công Bật.
Một hôm, gia đình ông Đĩnh đang quây quần bên mâm cơm, thì ông thầy Tàu bỗng
xuất hiện. Hai vợ chồng lúng túng, chưa biết nên ăn nói sao đây. Song thầy Tàu
lại tỏ ra xuề xoà, thông cảm. Ông ta cho quà, bồng bế, đùa nghịch với hai đứa
trẻ suốt ngày. Chờ mấy hôm sau, gặp dịp ông thầy Tàu mới ngỏ ý:
- Hai người đã xử sự theo đúng lời dặn trước, ta rất hài lòng, không có gì
trách cứ cả! Song nay ta đã già yếu, ở bên quê không còn ai nương tựa, nên muốn
đem một đứa về nuôi cho cuối đời đỡ cô quạnh. Sau này, khi bọn trẻ khôn lớn,
chúng sẽ tìm gặp lại nhau, không phải anh em cách biệt mãi đâu mà sợ! Còn nhà
cửa, vốn liếng tất tật cho cả hai người...
Ông thầy Tàu lại nói tiếp:
- Vả chăng vùng Ái Châu đây cũng là đất chung của Thiên tử, tuy xa mà lại
gần, tuy cách mặt mà lại gần tiếng, chẳng có gì mà các người phải đắn đo, lo
lắng.
Vợ chồng ông Đĩnh nghĩ chuyện mất đứa con rất xót xa, nhưng suy nghĩ kĩ họ
thấy không có lí gì để từ chối. Đối với ông Đĩnh, ông thầy Tầu vừa là ân nhân,
lại vừa là chồng trước của vợ mình, ông ta chỉ đòi hỏi có thế, kể ra cũng phải
lẽ...
Ở chơi thêm ít ngày nữa cho quen con trẻ, rồi ông thầy Tàu chọn đứa em còn
nhỏ tuổi, dễ dỗ dành, mang về nước làm con nuôi.
Câu chuyện trên đây được dư luận trong hương, phường bàn tán. Người cho
rằng, gã thầy Tàu bất lực không sinh đẻ được, nên phải xin con nuôi về giữ của.
Kẻ lại bảo, ông ta được thần mách bảo đứa con ông Đĩnh về sau đỗ đạt thành tài,
nên bắt về làm con nuôi để hưởng lộc... Tình tiết câu chuyện vừa kể, chỉ là
chắp nhặt những điều truyền miệng, mang tính chất giai thoại của người dân địa
phương để giải thích một sự kiện xảy ra trên mảnh đất Định Thành này từ hơn 12
thế kỉ về trước. Còn sai đúng ra sao đến nay khó tìm được đủ tư liệu để xác
minh.
2. Đem chuông đi đánh đất người
Khương Công Phụ từ bé đã biểu lộ sự thông minh, có trí nhớ tuyệt vời. Tất cả
chữ Hán đề trên các ô thuốc Bắc, cậu đều thuộc hết, lại còn dùng que viết lại
rất đúng chữ. Ông Đĩnh thấy con sáng dạ thì mừng lắm, bèn tìm một thầy Tàu giỏi
chữ cùng mở cửa hàng thuốc Bắc gần nơi trị sở Quân Yên, để gửi con theo học.
Thật phúc đức cho Công Phụ đã gặp được người thầy thực tài, vốn trước đỗ đại
khoa, vì chán cảnh triều đình bên chính quốc, nên đã lánh sang Cửu Chân, tìm
nơi ẩn dật.
Thấy cậu bé người Việt họ Khương học chữ rất nhanh, tính nết cần cù, ngoan
ngoãn, ông thầy Tàu ngày càng cảm mến. Những lần đi du ngoạn đó đây, ông đều
cho cậu theo làm tiểu đồng. Công Phụ vừa được thưởng thức nhiều cảnh đẹp thiên
nhiên, đất nước, lại còn được thầy dạy thêm cho về thơ phú, xướng họa. Tuy tuổi
tác khác nhau, không cùng nòi giống, song dần dần hai người trở thành đôi bạn
và ông thầy Tàu cảm thấy không thể thiếu cậu học trò người Việt rất đỗi thông
minh bên cạnh mình. Ông bèn dốc hết tâm huyết để dạy dỗ Khương Công Phụ, với hi
vọng thiết tha là may ra có thể gửi gắm được cho đứa trẻ này cái chí hướng và
đạo học bình sinh của ông.
Thường ngày, ông vẫn khích lệ Công Phụ cố gắng học thật giỏi rồi nhất định
có dịp sẽ được sang tận Tràng An, kinh đô của Đường, thi tài. Nghe thầy nói,
Công Phụ nghĩ ngay đến đứa em ruột thịt của mình đang bên đó. Chả là, thỉnh
thoảng, cậu vẫn nghe bố mẹ hỏi nhau: ''Không biết thằng Bật sống bên Tràng An
như thế nào?" Nghĩ vậy, Khương Công Phụ càng náo nức trong lòng, gia công
đèn sách, để mong sao thực hiện được cả hai ước mơ đang chớm nở. Quả nhiên, sự
học của cậu tiến bộ rất nhanh, khiến người thầy Tàu phải ngạc nhiên, khen ngợi.
Các sách Tứ thư, Ngũ kinh cậu thuộc như cháo; nghĩa lí trong Kinh thư, Kinh
lễ... cậu thấu hiểu nhiều điều. Càng học, cậu càng nhận ra ''bể học'' thật mênh
mông, nên càng ham thích, say mê.
Chẳng mấy chốc đã tới kì khảo hạch ở quận. Người thầy Tàu cho Công Phụ biết,
lệ vua ban quy định số sĩ tử An Nam được sang Tràng An dự khoa thi tiến sĩ chỉ
có 8 người, nên khuyên cậu cần cố gắng bằng được để lọt vào số thí sinh ít ỏi
đó. Đồng thời, ông cũng tìm cách giới thiệu người học trò giỏi của mình với mấy
viên quan Đô hộ phủ để được xếp vào danh sách khảo hạch (vì rằng, một học trò
người bản xứ nghèo hèn ở cái phường Cổ Hiểm này, thì làm sao chen vào cùng với
bọn sĩ tử con nhà quyền, quý trong cả châu quận được?) Các viên quan Tàu cai
trị, do nể lời vị đại khoa ẩn dật, đã chấp nhận để Khương Công Phụ dự thi.
Thế rồi, qua mấy kì khảo hạch, Khương Công Phụ đã làm cho tất cả quan trường
người Tàu kinh ngạc. Bất kể hỏi về kinh sử hay thơ phú, bài làm của Công Phụ
đều đạt xuất sắc, tỏ rõ một lực học phi thường, một tài năng hiếm thấy. Kết quả
là Khương Công Phụ được xếp hàng đầu trong danh sách 8 sĩ tử của 8 quận đất
Giao Châu về Tràng An dự khoa thi tiến sĩ, dưới triều vua Đường Đức Tông, niên
hiệu Trinh Nguyên (780-784).
Vợ chồng ông Đĩnh hay tin con mình được sang Tràng An dự thi, vừa vui mừng,
vừa lo lắng. Vui vì may ra cậu đỗ đạt thì bố mẹ cũng được thơm lây, mở mày mở
mặt, bõ công nuôi nấng ăn học bấy lâu. Vả lại sang bên đó, nếu anh em gặp được
nhau thì thật là phúc lớn. Song cũng bồn chồn lo lắng, vì đứa em đã đi biệt,
nay thằng anh lại xa nốt, ở đất khách quê người, biết đâu lành hay dữ... Vợ
chồng ông Đĩnh cứ đắn đo, phân vân. Nhưng được bà con hương, phường khuyên
giải, lại nghe thầy học của con, phân tích cho hiểu, việc Công Phụ được sang
Tràng An thi là một đại phúc của gia đình. Bấy giờ, vợ chồng ông Đĩnh mới
nguôi.
Trước khi lên đường, Công Phụ đã đến chào thầy. Ông tặng đứa học trò giỏi
của mình cuốn sách ghi chép những điều ''thánh hiền'' dạy mà ông đã suy ngẫm,
rồi cầm tay trò ngậm ngùi dặn dò:
- Khi con trở về chắc không còn gặp lại ta. Ta cảm thấy trong người đã yếu
lắm, ngày về cõi vĩnh hằng không còn xa nữa. Ta chỉ cầu mong cho con đỗ đạt và
biết đem những điều ''thánh hiền'' dạy người quân tử để xử sự với đời, thì ta
thật thỏa lòng vì đã được con đền đáp rồi đó!
Khăn gói trên vai, chàng thanh niên họ Khương cùng các sĩ tử khác lên đường
sang Tràng An. Đường sá xa xôi, hiểm trở, sông núi trập trùng, song với Khương
Công Phụ, tính vốn ham cái mới cái lạ, từng được theo thầy đi du ngoạn nhiều
nơi, thì lại thấy thích thú vì được hiểu biết thêm, nên mặc dù cuộc hành trình
kéo dài hàng tháng trời, cậu vẫn cảm thấy khỏe khoắn, phấn chấn.
Khi đến Tràng An - kinh đô Đại Đường, thì sĩ tử khắp phương đang nô nức đổ
về. Trong lòng chàng trai họ Khương cũng rộn lên những cảm xúc khác nhau.
Tràng An quả là tấp nập ngựa xe, phố phường khác xa quê nhà, khiến cậu có
phần bỡ ngỡ. Việc thi cử đã có luật lệ của triều đình quy định, nên Công Phụ
không phải suy nghĩ lao lung như việc tìm cách để gặp được đứa em ruột thịt.
Các sĩ tử phương Bắc tuy có vẻ cao ngạo, xem thường học trò của những miền chư
hầu, song nhờ được học với người thầy Tàu chính cống, nên cậu nói năng giao
thiệp chẳng khác gì người Tràng An, do vậy cũng dễ hòa nhập, thuận lợi cho việc
dò la tin tức người em. Tuy nhiên, tung tích của đứa em vẫn bặt vô âm tín.
Mãi đến ngày, khi nhìn trên bảng yết tên những sĩ tử dự thi, Khương Công Phụ
mới bất ngờ phát hiện một thí sinh trùng họ với mình, tên là Công Phục. Song
Công Phụ vẫn băn khoăn, nghi ngờ vì tên ''cúng cơm'' của em mình là Bật kia mà.
Thế rồi cậu quyết tìm gặp Công Phục để hỏi chuyện cho rõ lẽ. Công Phục còn nhớ
mang máng bố mẹ đẻ mình ở bên Châu Ái và có người anh vẫn hay đùa nghịch với
mình, nhưng thuở đó cậu còn nhỏ lắm, không thể biết chính xác được... Công Phụ
mừng thầm vì thấy dấu hiệu về đứa em đã hé mở, cậu bèn nói một cách quả quyết:
- Tên chú chính là Bật. Ông thầy Tàu xin chú về làm con nuôi mới đổi tên là
Phục. Nếu quả là thằng Bật em tôi, thì trên người chú có một vết chàm nơi chỗ
kín?
Vậy là sau bao năm xa cách, hai anh em họ Khương đã nhận lại được nhau. Họ
mừng mừng, tủi tủi, kể cho nhau nghe bao chuyện và cùng chia xẻ với nhau quyết
tâm đoạt bằng được bảng vàng trong cuộc đua tranh tài trí quyết liệt sắp tới.
Khoa thi tiến sĩ năm Canh Tí, dưới triều Đường Đức Tông (784), có một sự
kiện đặc biệt làm chấn động cả đất Tràng An -Trung Quốc: đó là có hai anh em
người Việt, Giao Châu cùng đỗ đại khoa. Riêng người anh Khương Công Phụ đã vượt
lên hàng ngàn sĩ tử, để đoạt bậc khôi nguyên tiến sĩ cả nước Đại Đường. Sử sách
Tàu khi thuật lại sự kiện này, đã thừa nhận:
''...Thời Đường, văn sĩ An Nam kiệt xuất có Khương Công Phụ, người Ái Châu,
quận Nhật Nam...''
Lại nói, ông thầy địa lí Tàu là bố nuôi Khương Công Phục, khi hay tin hai
anh em họ Khương đều chiếm bảng vàng, liền nghĩ rằng: được trời đất mách bảo,
xui khiến nên mới tìm thấy đất Cổ Hiểm, An Định - vùng ''địa linh" đã sinh
ra "nhân kiệt'' thuộc dòng họ Khương. Ông vội trở lại Ái Châu để báo tin
vui cho vợ chồng ông Đĩnh biết, luôn thể thắp nén hương bái tạ trời đất phương
Nam và tiên tổ họ Khương.
Chỉ tiếc rằng người thầy có công dạy dỗ Khương Công Phụ vừa mới qua đời,
không kịp đón nhận niềm vui lớn, mà người học trò giỏi được ông góp công dạy
dỗ, vừa chiến thắng trong "trường văn, trận bút" đoạt học vị tiến sĩ
từ đất Trung Nguyên mang về.
3. Người nước Nam làm tể tướng phương Bắc
Sau khi đỗ đạt cao, Khương Công Phụ được vua Đường phong chức Hiệu thư lang,
thăng dần đến chức Gián nghị đại phú, rồi Tể tướng. Đây quả là trường hợp ''có
một không hai" trong lịch sử Việt Nam, một người Việt thường bị bọn thống
trị phương Bắc gán cho là "man di'', lại cầm đầu bộ máy cai trị của cả đất
nước Trung Hoa thiên tử!
Sử sách vẫn ghi: có một số vị Trạng nguyên nước ta do tài năng lỗi lạc học
vấn uyên bác, nên khi sang sứ Trung Quốc, cũng được vua Trung Quốc phong làm
Trạng nguyên, nên người đời mệnh danh là "Lưỡng quốc Trạng nguyên'' (Trạng
nguyên hai nước), như Mạc Đĩnh Chi thế kỉ XIII, Nguyễn Đăng Đạo thế kỉ XVII,
XVIII... Song giữ chức Tể tướng, đứng đầu triều đình Trung Quốc thì có lẽ chỉ
mình Khương Công Phụ.
Sự kiện hai anh em họ Khương đất Việt cùng đỗ Tiến sĩ và cùng làm quan bên
Trung Quốc, đã được người đời sau phản ánh trong đôi câu đối:
"Nhất triều trung huynh đệ đồng khoa
Thiên tải hạ Bắc Nam khởi kính ''
Tạm dịch: "Đỗ cao nhất triều anh em cùng khoa
Nghìn năm sau cả Trung Quốc và Việt Nam đều kính trọng''
Giới nho sĩ qua nhiều thế hệ đã ca ngợi Tể tướng Khương Công Phụ không những
về mặt tài năng văn chương, mà còn cả về mặt phẩm chất, tư cách của một ''kẻ
sĩ". Ông vốn tính cương trực, thẳng thắn, không sợ kẻ cường quyền. Đến vua
Đường làm sai, ông cũng mạnh dạn góp ý can ngăn. Thời gian đầu, nhà vua ngỏ ý
trọng nể, đã ban tặng ông một túi gấm thêu và bài chế tạm dịch mấy câu:
."...Điều hòa âm dương cho năm tháng vẹn toàn
Đổi thay hoá dục cho Thánh đề thịnh trị
Như dao sắc được mài giúp vua làm đúng
Như mây mưa khi hạn cứu dân có lòng... "
Nhưng rồi đến lần trên đường chạy loạn, người con gái vua là công chúa Đường
An chết. Vua Đường ra lệnh xây tháp, cử hành tang lễ cho con thật trọng thể,
tốn kém. Khương Công Phụ đã can ngăn. Ông nói: "Sơn Nam (là miền đất vua
đang lánh nạn tạm thời) không phải là chỗ lâu dài. Làm ma cho công chúa nên để
về kinh đô. Trên đường hành quân cần tiết kiệm tiền bạc để lo việc trước mắt
đã...". Vua Đường nổi giận, viện cớ, nói với viên quan là Lục Chí rằng:
''Công Phụ chỉ muốn vạch điều lầm lỗi của trẫm để cầu tiếng trung
thực....". Lúc Chí thấy Công Phụ giữ chức Gián nghị, Tể tướng, làm việc
can gián điều sai trái của vua là đúng, bèn tâu trình, song vua Đường nhất quyết
không nghe, cho biếm chức ông Khương, rồi sau đấy lại đày ông ra tận miền Tuyên
Châu, tỉnh Phúc Kiến bây giờ.
Cử nhân Đốc học Lê Văn Thạc (1782- l 876), đã có đôi câu đối rất hay khi
bình luận về sự kiện trên, còn truyền đến nay.
"Phong vũ dĩ tồi công chúa tháp
Hải vân '' trường chiếu Trạng nguyên từ"
Tạm dịch: ''Tháp công chúa gió mưa chốc đổ
Đền Trạng nguyên ''mây biển '' mãi soi''
Từ ''mây biển" tác giả dùng ở đây có ý nhắc đến tác phẩm '''Mây trắng
rọi biển xuân'' bất hủ của Khương Công Phụ.
Ngày nay ở thôn Cẩn Cầu, xã Định Thành còn đền thờ Khương Công Phụ. Trước
cửa đền, có đề ba chữ ''Trạng Nguyên Từ'" (Đền thờ Trạng nguyên) và đôi
câu đối trên.
MÂY
TRẮNG CHIẾU BIỂN XUÂN
Mây trắng lớp lớp, kéo hàng hàng trên biển xuân mênh mông,
Dạt dào biển cả, sáng rực từng không.
Hình ảnh tinh vi, bao bọc vừng nhật,
Đường nét mơ màng, rực rỡ tiên cung.
Lúc ban đầu, cửa trời rộng mở,
Vừng dương bừng tỏa.
Phơi phới theo rồng,
Nhẹ nhàng vỗ đá.
Vượt hang cùng mà nhảy bay,
Qua sông ngang mà ca múa.
Cho nên,
Biển in mây nên đẹp vẻ xuân,
Mây chiếu biển lại sinh sắc trắng.
Hoặc lửng trời cao màu lụa bạch,
Hoặc chìm đáy nuớc sắc ngọc bích.
Thái hư vừa khởi, muôn sắc đẹp đều trôi,
Thận khí mới thâu, vạn ánh sáng cùng ngời.
Mây vô tâm nên cuốn rồi mở,
Biển hữu ý mà đầy lại vơi.
Bên thì tràn trề mặt đất,
Bên thì chan chứa bầu trời.
Hình theo sóng mà rung động,
Bóng theo gió mà chuyển dời.
Theo sóng lớn càng rạng rỡ,
Bên nước biếc đều vui tươi.
Lúc bấy giờ,
Trên đảo giá tan,
Bên bờ tuyết sạch.
Như cung điện trên tiên,
Như hoa lá trong kính.
Cây quỳnh thêm xinh,
Đài ngọc càng thịnh.
Chim bay lượn ung dung,
Cá lặn ngụp thỏa thích.
Thảy đều:
Làm theo lòng mơ,
Sống tùy ý thích.
Trèo lên đầu ghềnh, trông vời mây bể,
Mây thì như ráng gấm pha màu,
Bể thì như mai khôi rạng vẻ.
Không có sắc nào bằng sắc trắng,
Không có mùa nào bằng mùa xuân.
Chỉ có sắc xuân là diễm lệ,
Chỉ có mây trắng là thanh tân.
Đến giòng sông ngày hôm ấy,
Ngắm cảnh đẹp lúc bấy giờ.
Kìa ai mỹ tử,
Đoái mắt nhìn qua,
Giương chèo quế, dựng buồm hoa,
Lòng phơi phới khi ra đầu bãi,
Nhìn xa xa đến tận cuối bờ.
Mây ơi! Người ngọc ta mơ!
(Nguyễn Thiên Thụ dịch)